Cảng Liên Chiểu Đà Nẵng: Tiềm năng trở thành cảng biển hàng đầu khu vực Đông Nam Á
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; ông Võ Văn Thưởng - Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, cùng đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương và lãnh đạo các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, TP. Đà Nẵng nhấn nút khởi công Dự án. |
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Cảng Đà Nẵng không những có tiềm năng về giao lưu kinh tế, thương mại, đầu tư quốc tế mà còn có vị trí “yết hầu” về quốc phòng - an ninh của đất nước. Cảng Đà Nẵng được xác định là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực, có khả năng phát triển để đảm nhận vai trò cửa ngõ quốc tế ở khu vực miền Trung, đang từng bước được đầu tư kể cả Khu bến Tiên Sa; Cảng cá Thọ Quang (Sơn Trà) và Khu bến Liên Chiểu.
Nhìn rộng hơn, Cảng Đà Nẵng là cửa ngõ chính hướng ra biển Đông tiếp giáp với các tuyến hàng hải quốc tế nối giữa các nền kinh tế Đông Bắc Á và Đông Nam Á cũng như của thế giới; cũng là điểm trung chuyển phía Đông của vùng miền Trung đón các dòng lưu chuyển hàng hóa trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây cũng như các tỉnh trong khu vực với thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, Cảng Đà Nẵng còn nằm ở vị trí trung độ của cả nước, là tiếp điểm của các tuyến giao thông Bắc - Nam, là giao điểm của các tuyến đường bộ, đường sắt, đường hàng không của miền Trung. Với những tiềm năng, lợi thế mang tính Thiên thời và Địa lợi đó, chỉ cần phát huy thêm yếu tố Nhân hòa thì có thể thành công.
Khu vực Cảng khá thuận lợi về kết nối giao thông, kết nối với các khu công nghiệp của thành phố; cảng Liên Chiểu sẽ là điểm sáng tạo bứt phá không chỉ với ngành vận tải, logistics mà ngành du lịch và dịch vụ Đà Nẵng cũng sẽ được hưởng lợi, tạo thành mạng lưới thương mại quốc tế đa diện, phong phú, mở rộng không gian phát triển không chỉ cho Đà Nẵng mà cho cả khu vực Miền Trung; đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững “phên dậu, mạng sườn” tiền tiêu cho Tổ quốc. Điều này sẽ góp phần làm tăng vị thế của vịnh Đà Nẵng trên bản đồ các vịnh biển của Việt Nam và khu vực.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc biểu dương tinh thần khẩn trương, nỗ lực, tích cực của thành phố Đà Nẵng, cùng với sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành trung ương trong việc hoàn thành các thủ tục pháp lý, đưa dự án đi vào khởi công. |
Tại buổi Lễ, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch BND thành phố Đà Nẵng cho biết, Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng - Phần cơ sở hạ tầng dùng chung là tiền đề thu hút các nguồn lực khác đầu tư, phát triển các bến trong giai đoạn tới theo quy hoạch, giảm tải cho khu bến Tiên Sa, Sơn Trà, tăng cường kết nối vùng và liên vùng, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng và trong khu vực; phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ thúc đẩy phát triển kinh tế biển, cảng biển theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Võ Văn Thưởng nghe giới thiệu về Dự án. |
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg năm 2021, Cảng biển Đà Nẵng là cảng biển lớn nhất khu vực miền Trung và một trong 3 cảng biển lớn nhất, trọng điểm Việt Nam ngoài khu Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, Hải Phòng tại khu vực phía Bắc; khu bến Cái Mép Thị Vải tại Bà Rịa Vũng Tàu tại khu vực phía Nam.
Với tốc độ tăng trưởng lượng hàng hóa qua cảng biển Đà Nẵng trong những năm gần đây đạt trung bình 10%/năm. Năm 2020 lượng hàng qua cảng Đà Nẵng đạt 11,4 triệu tấn. Dự báo sản lượng hàng hóa đạt 50 triệu tấn đến năm 2050.
Ngày 25/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 435/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng - Phần cơ sở hạ tầng dùng chung.
Tháng 06/2022, UBND thành phố đã có Quyết định số 1672/QĐ-UBND phê duyệt Dự án Đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng - Phần cơ sở hạ tầng dùng chung có tổng mức đầu tư 3.426,3 tỷ đồng, với quy mô đầu tư xây dựng gồm: Xây dựng đê chắn sóng và kè chắn sóng chiều dài khoảng 1.170m; Luồng tàu dài khoảng 7,3km; Hạ tầng kỹ thuật kết nối khả năng đáp ứng cho các tàu tổng hợp, hàng rời trước mặt trọng tải đến 100.000 DWT, tàu container có sức chứa 6.000 - 8.000 Teus.
Sơ đồ tổng thể dự án |
Sau khi Chủ trương đầu tư dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND thành phố Đà Nẵng đã giao Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố Đà Nẵng làm Chủ đầu tư dự án, tích cực phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương và địa phương hoàn thành các thủ tục chuẩn bị dự án, công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công, đủ điều kiện để khởi công dự án theo đúng quy định hiện hành, với tổng thời gian thực hiện trong vòng 527 ngày (từ ngày 14/6/2021 đến ngày 23/11/2022).